Kim Ngưu là chòm sao hoàng đạo bạn có thể quan sát thấy trong suốt mùa đông và mùa xuân ở Bắc Bán cầu (hay ở Nam Bán cầu là mùa hạ và mùa thu). Mặt Trời đi qua chòm sao này trong khoảng từ 14 tháng 5 đến 21 tháng 6, nhưng lúc đó thì bạn không thể quan sát nó được. Thay vào đó, hãy thử tìm Kim Ngưu vào buổi chiều tối nửa năm sau đó.

Hoàng đạo - đường đi của Mặt Trời hằng năm qua các chòm sao hoàng đạo tương ứng - đi qua chòm sao Kim Ngưu, phía bắc (phía trên) sao Aldebaran và phía nam (phía dưới) cụm sao Thất Nữ. Mặt Trời chiếu sáng phía trước Kim Ngưu trong khoảng từ 14 tháng 5 đến 21 tháng 6.

Muốn tìm Kim Ngưu? Hãy lần theo đường đi của Mặt Trời

Chỉ cần nhớ rằng, theo định nghĩa, chòm sao hoàng đạo là những chòm đánh dấu đường đi của Mặt Trời ngang qua bầu trời hàng năm. Đó là lý do khiến cho chúng trở nên quan trọng và đặc biệt đối với những người ngắm sao xưa kia – và dựa vào đó chúng ta có thể tìm được những chòm sao này trên bầu trời đêm.

Một khi bạn đã dò được đường đi của Mặt Trời, hãy để ba ngôi sao thẳng hàng – Thắt lưng của Lạp Hộ (Thợ Săn/Orion) – nổi tiếng trên bầu trời đêm dẫn đường. Lạp Hộ và Kim Ngưu là “hàng xóm” của nhau trên vòm trời cao. Những người ngắm sao điêu luyện thường dùng Thắt lưng Lạp Hộ để tìm dấu hiệu nổi bật nhất của Kim Ngưu: cụm sao Hyades hình chữ V với ngôi sao sáng Aldebaran ở giữa, và cụm sao Thất Nữ lung linh gần đó.

Ba ngôi sao ở Thắt Lưng Lạp Hộ (Thợ Săn) luôn chỉ về phía ngôi sao Aldebaran và cụm sao Thất Nữ (Pleiades). Ảnh bởi Janne/Flickr.

Nói cách khác, như trong hình minh họa bên trên, Thắt lưng Lạp Hộ sẽ chỉ đến sao Aldebaran và cụm sao Thất Nữ.

Kim Ngưu là một trong những chòm sao kỳ vĩ nhất trên bầu trời đêm. Ngoài ngôi sao sáng Aldebaran, Kim Ngưu còn có thêm một ngôi sao đáng chú ý khác tên là Elnath. Hơn nữa còn có hai cụm sao tuyệt đẹp là Thất Nữ và Hyades. Và đây cũng là tâm điểm của trân mưa sao băng Taurid vào tháng 11 hàng năm.

Không những thế, Kim Ngưu còn được tô điểm bởi tinh vân Con Cua (M1) chỉ quan sát được qua kính thiên văn, tàn dư từ vụ nổ siêu tân tinh chấn động thắp sáng bầu trời ngay cả vào ban ngày năm 1054 sau Công Nguyên.

Europa chở theo thần Zeus, sau khi bị biến thành một chú bò. Tượng đất nung Boeotia, khoảng năm 470–450 trước Công Nguyên. Nguồn: Wikimedia Commons.

Kim Ngưu - thần bò cai quản thời gian

Theo thần thoại Hy Lạp, chòm sao Kim Ngưu ghi dấu việc thần Zeus tự biến mình thành một chú bò trắng tuyệt đẹp để chiếm lấy tình cảm của công chúa Europa xứ Phoenician. Sau khi Europa nhảy lên lưng Kim Ngưu, chú bò bơi qua Địa Trung Hải, đưa công chúa tới tận đảo Crete. Tại đây Zeus và Europa hạ sinh Minos, vị vua huyền thoại của Crete.

Người bản địa Zuni ở tiểu bang New Mexico (Mỹ) dùng Thất Nữ để tính lịch vụ mùa. Khi cụm Thất Nữ mà người Zuni là “những ngôi sao hạt giống” (Seed Stars) biến mất trong ánh chiều tà mùa xuân, họ biết rằng cái lạnh sương giá đã qua, và đây là lúc an toàn để gieo trồng hạt giống. Và họ cũng biết rằng, việc trồng trọt phải kết thúc trước khi Thất Nữ trở lại bầu trời phía đông vào những sớm bình minh, nếu không cây non sẽ không thể chống chịu trước cái lạnh mùa thu đến.

Nhưng người Zuni hoàn toàn không đơn độc khi tôn sùng cụm sao Thất Nữ trong chòm Kim Ngưu. Có lẽ không có tập hợp sao nào lại nổi danh khắp thế giới gắn với lịch pháp, lễ hội và truyện kể như thế.

Ảnh bởi Urania’s Mirror/© Ian Ridpath.

Ở Việt Nam, cụm sao Thất Nữ còn được gọi là Tua Rua hay Sao Mạ:

Tua rua thì mặc tua rua;

Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền

Tua rua đi rắc mạ mùa

Tiểu thử đi bừa cấy ruộng nông sâu

Tua rua một tháng mười ngày

Cấy tróc vùng cày cũng được lúa xơi

Bao giờ nắng rữa bàng trôi

Tua rua quắt lại thì thôi cấy mùa

Mặt Trời vào ngày hạ chí sẽ toả sáng trước chòm Kim Ngưu, và chòm sao này sẽ mọc và lặn cùng Mặt Trời, lu mờ trước ánh nắng chói chang. Nhưng vào cuối mùa thu, mùa đông và khi mùa xuân đến, có thể thấy rõ chòm sao Kim Ngưu trên bầu trời buổi tối.

Tham khảo