TÌM KIẾM SAO CHỔI 12P/PONS-BROOKS TRÊN BẦU TRỜI

Sao chổi 12P/Pons-Brooks, còn được biết đến với cái tên bí ẩn "Sao chổi Quỷ" (Devil Comet), đang thu hút sự chú ý của giới quan sát thiên văn khi nó xuất hiện rực rỡ trên bầu trời tây sau khi Mặt Trời lặn. Đây là cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng kỳ quan vũ trụ này, vì nó chỉ đến gần Trái Đất 71 năm một lần.

Hình ảnh thuộc cộng đồng EarthSky. | Steven Bellavia ở Southold, New York, đã chụp được hình ảnh này của Sao chổi Pons-Brooks vào ngày 25 tháng 2 năm 2024.
Petr Horálek ở Revuca, Slovakia, đã chụp được sao chổi Pons-Brooks vào ngày 5 tháng 3 năm 2024. Petr cũng chụp được thiên hà Andromeda cùng với “một cái cây ở xa, sương mù được chiếu sáng bởi những chiếc ô tô đi ngang qua”.

Ngoài ra, vào ngày 21 tháng 4, Sao chổi Quỷ sẽ đạt đến điểm cận nhật, tức là khoảng cách gần nhất với Mặt Trời. Khi đó, nó sẽ sáng rực rỡ nhất và dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Ước tính, sao chổi sẽ tiến đến cách Mặt Trời 72,6 triệu dặm (116,8 triệu km), tương đương ba phần tư khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.

Khi sao chổi di chuyển xa Mặt Trời, tầm nhìn của nó ở Bắc Bán Cầu sẽ bị hạn chế, nhường chỗ cho khu vực Nam Bán Cầu ở hướng chòm sao Lạp Hộ (Orion), ngay gần ngôi sao Rigel vào các ngày 19 và 20 tháng 5.

Vào ngày 2 tháng 6 năm 2024, 12P/Pons-Brooks sẽ đến gần Trái Đất nhất, nhưng do vị trí của nó lúc này đã trở nên xa Mặt Trời hơn khiến cho việc quan sát sao chổi cũng sẽ bị hạn chế. Nhưng đừng lo, bạn vẫn có thể quan sát nó với một chiếc ống nhòm tại chòm sao Thiên Thố (Lepus) trước khi nó rời khỏi Hệ Mặt Trời và trở lại sau khoảng 71 năm nữa.

SỐ PHẬN CỦA PONS-BROOKS SAU KHI TIẾP CẬN MẶT TRỜI?

Tin tốt là cơ hội sống sót của sao chổi 12P/Pons-Brooks rất cao vì khoảng cách xấp xỉ ¾ khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời của nó ở điểm cận nhật là khoảng cách an toàn bởi vì đây không phải lần đầu tiên nó gặp gỡ ngôi sao của chúng ta. Theo chuyên gia viết chuyên mục về thiên văn học Joe Rao, "Sao chổi 12P/Pons-Brooks đã từng nhiều lần tiếp cận Mặt Trời trong quá khứ và không bị ảnh hưởng quá nhiều. Do đó, không có lý do gì để lo ngại về sự xuất hiện của nó lần này."

Tuy nhiên, tin buồn dành cho những người quan sát bầu trời ở Bắc Bán Cầu là sau khi đến điểm cận nhật, "sao chổi sẽ mờ đi nhanh chóng và trở thành đối tượng quan sát chủ yếu ở Nam Bán Cầu," Rao giải thích trong một bài báo trước đó.

Nguyên nhân là do sao chổi thường đạt độ sáng cực đại trong vài tuần sau điểm cận nhật. Khi di chuyển xa khỏi Mặt Trời, các khí dễ bay hơi bị kích hoạt bởi nhiệt và ánh sáng sẽ dần lắng xuống, khiến sao chổi mờ dần.

SAO CHỔI QUỶ VÀ NHỮNG LẦN THẮP SÁNG BẦU TRỜI ĐÊM

Với độ sáng thay đổi một cách mạnh mẽ, 12P/Pons-Brooks đã thành công gây sự chú ý đối với giới truyền thông những năm gần đây.

Lần đầu tiên, các nhà thiên văn ghi nhận vụ “bùng nổ” vào ngày 20 tháng 7 năm 2023. Độ sáng biểu kiến của sao chổi tăng đột ngột từ 16-17 lên 11-12, đồng thời hình dạng của nó biến đổi kỳ lạ, mọc lên "sừng" giống như quỷ dữ. Nhiều người còn liên tưởng hình ảnh này đến tàu vũ trụ Millennium Falcon trong bộ phim Star Wars.

Nguyên nhân chính xác dẫn đến những vệt sáng dữ dội này vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, theo giả thuyết của chuyên gia thuộc Hiệp hội Thiên văn học Anh, sao chổi 12P/Pons-Brooks có thể thuộc nhóm 10 đến 20 sao chổi sở hữu núi lửa băng đang hoạt động. Magma của những núi lửa này là hỗn hợp lạnh gồm hydrocarbon dạng lỏng và khí hòa tan, ẩn sâu dưới bề mặt với độ đặc tương tự sáp ong.

Trên thực tế, Sao chổi Quỷ không phải là vị khách mới trong bầu trời đêm. Nó đã được ghi nhận bởi các nhà thiên văn học từ rất lâu đời. Jean-Louis Pons và William Robert Brooks lần đầu tiên phát hiện ra sao chổi này vào thế kỷ 19, do đó tên của họ được đặt cho nó trong khi kí tự "12P" cho biết rằng đây là sao chổi thứ 12 được phát hiện trong năm 1812. Theo ghi chép, các nhà thiên văn học Trung Quốc thậm chí đã quan sát thấy Sao chổi Quỷ từ thế kỷ 14.

Tham khảo:

[1]Look for Comet Pons-Brooks in the evening sky

[2]Watch 'Devil Comet' approach the sun during explosive coronal mass ejection (video) | Space

[3]'Devil Comet' 12P/Pons-Brooks is heading for the sun. Will it survive? | Space